Diệt mối bằng phương pháp lây nhiễm

Tâm trạng chung của mỗi gia đình khi phát hiện mối phá hoại trong nhà thường là lo lắng, bất an. Tâm trạng đó khiến cho một số người thường vội vã tìm cách “đuổi” chúng cho khuất mắt bằng việc phun xịt các loại hoá chất diệt côn trùng gia dụng thông thường lên vị trí phát hiện thấy mối. Việc làm này hoàn toàn không thể diệt được mối đang phá hoại trong nhà. Ngược lại, nó còn gây khó khăn cho việc xử lý triệt để tổ mối về sau.

Vì vậy, điều đầu tiên cần làm ngay khi phát hiện dấu hiệu của mối trong nhà bạn là xem xét mức độ tấn công của mối hiện ra sao, mật độ mối như thế nào và chúng đã có mặt tại đâu? Tuyệt đối không nên vội vã sử dụng những loại hoá chất khác nhau để phun, xịt hoặc bôi, quét lên những kết cấu mối đang xâm hại. Đồng thời cũng không được phép chủ quan cho rằng “hỏng cái này thì ta thay cái khác”. Bởi khi chưa diệt mối và phòng chống mối triệt để thì việc thay thế những kết cấu tương tự sẽ chỉ là việc dọn ra cho mối những bữa tiệc thịnh soạn hơn.

Sau khi tự mình xem xét hiện trạng mối trong nhà, bạn có thể thuê những người làm dịch vụ diệt mối để có được những giải pháp theo đúng chuyên môn của họ. Trong trường hợp bạn có thời gian và có đủ sự tự tin cho rằng chính bạn cũng có thể tự thực hiện công việc này thì phương pháp diệt mối bằng phương pháp lây nhiễm thực sự là vũ khí phù hợp để bạn sử dụng trong cuộc chiến chống lại loài côn trùng có sức phá hoại ghê gớm này. Sẽ thật thú vị với cảm giác người chiến thắng khi bạn tự tay đẩy lùi cuộc tấn công của các tập đoàn mối. Ngoài ra, bạn cũng tiết kiệm được một phần lớn chi phí dành cho cuộc chiến ấy.
Diệt mối bằng phương pháp lây nhiễm cần một số vật tư sau đây. Bạn hoàn toàn dễ dàng khi mua chúng ở các cửa hàng chuyên ngành hiện có ở rất nhiều nơi:
– Hộp nhử mối.
– Đinh sắt và dây thép.
– Thuốc diệt mối bằng phương pháp lây nhiễm.
Hộp nhử mối được làm bằng vỏ carton, bên trong chứa các thanh gỗ (thường là gỗ thông hoặc gỗ bồ đề,..) là thức ăn của mối. Mục đích của hộp nhử mối là nhằm thu hút mối thợ (là mối có nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn) tập trung lại một điểm phục vụ cho việc rắc thuốc lây nhiễm để sau đó chúng mang theo thuốc đó về tổ trong quá trình di chuyển thức ăn về nuôi mối chúa cũng như các cá thể mối khác trong đàn, từ đó lan truyền bệnh dẫn đến tiêu diệt toàn bộ tập đoàn mối. Khi mua hộp nhử mối nên chọn những hộp có các miếng gỗ “ngon” – tức là gỗ không bị bẩn, không bị khô mục, còn giàu xen-lu-lô.
Đinh sắt và dây thép mảnh phục vụ cho việc cố định hộp nhử mối trên tường hoặc trên khung cửa. Việc ép sát và cố định hộp nhử mối vào vị trí có các lỗ mối đục trên tường, trên kết cấu gỗ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút mối ăn tập trung vào trong hộp.
Thuốc diệt mối bằng phương pháp lây nhiễm thường được gọi tắt là “thuốc lây nhiễm” có tên thương mại là PM90 hoặc PMC. Loại thuốc này nằm trong danh mục chế phẩm hạn chế sử dụng do độ độc tính cao. Vì vậy, người sử dụng nhất thiết phải tuân thủ các quy tắc an toàn khi tiếp xúc với thuốc. Luôn nhớ phải đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với thuốc. Không ăn uống, hút thuốc lá trong khi làm việc với thuốc. Không để thuốc bay vào mắt hoặc hít phải thuốc.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí, giờ là lúc chúng ta bước vào trận chiến với từng giai đoạn như sau:
Bước 1: Đặt hộp nhử mối.
– Tìm kiếm vị trí mối đục lỗ trên tường hoặc đường mui đất do mối đắp khi di chuyển. Cạy nhẹ 1 điểm để đặt hộp nhử mối vào đó.
– Để thuận lợi cho mối ăn vào hộp nhử, sử dụng dao dọc giấy dọc 1 khe nhỏ (chiều rộng khoảng 1cm) ở đáy hộp nhử.
– Xịt hoặc nhúng đáy hộp nhử vào nước sạch.
– Nếu phải treo hộp trên tường hoặc trên khung cửa, cần đóng các đinh giữ và treo hộp chắc chắn bằng dây thép.
– Việc đặt hoặc treo hộp phải đảm bảo bề mặt đáy hộp sát khít với lỗ do mối đục hoặc đường mui do mối đắp. Không được để khoảng trống khiến mối không di chuyển vào hộp nhử được.
– Hộp nhử sẽ được đặt trong thời gian từ 15 – 20 ngày. Trong suốt thời gian đặt hộp không được có các tác động tới hộp nhử.
Bước 2: Xử lý thuốc cho hộp nhử mối.
– Trải tờ báo khổ lớn trên mặt phẳng.
– Nhấc hộp nhử mối nhẹ nhàng và đặt ngửa trên tờ báo.
– Rắc nhẹ 1 lớp thuốc mỏng ngay vào mặt đáy hộp sau đó bóc nhẹ lớp bìa ở đáy hộp nhử.
– Dùng một tay tách nhẹ các miếng gỗ trong hộp nhử đồng thời rắc thuốc lên các cá thể mối. Thuốc được rắc đều với lượng vừa phải (đủ để phủ 1 lớp bụi mỏng trên mình các cá thể mối). Không được rắc đậm quá, mối sẽ chết trước khi rút về tổ làm giảm khả năng lây nhiễm bệnh.
– Đặt lại hộp nhử mối vào vị trí đã đặt. Cố định như lần đặt đầu tiên.
– Xử lý thuốc lần lượt từng hộp.
– Sau khi đặt hộp trở lại vị trí cũ, chờ mối rút về tổ trong thời gian 5 – 7 ngày. Lưu ý nhắc nhở trẻ em không lại gần hộp nhử đã được rắc thuốc.
Bước 3: Vệ sinh.
– Gỡ bỏ dây thép, nhấc hộp nhử ra và kiểm tra xem có còn mối sống không. Nếu vẫn còn mối sống di chuyển trong hộp nhử thì cần rắc lại thuốc (như Bước 2). Nếu không còn hoặc chỉ còn 1 – 2 con thì bỏ hộp nhử vào túi nilon để vứt bỏ.
– Quét sạch lớp thuốc còn trên bề mặt hoặc dưới mặt đất, cho vào túi nilon để vứt bỏ.
– Không sử dụng gỗ trong hộp nhử để đun nấu hoặc vào mục đích khác.
– Vứt bỏ túi rác đúng nơi quy định hoặc đốt tiêu hủy tại bãi trống.
– Thường xuyên kiểm tra dấu hiệu của mối tại nơi đã xử lý sau mỗi 03 tháng.
Mỗi giai đoạn trong cuộc chiến đấu với loài mối đều rất quan trọng. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành từng bước thật cẩn thận và nghiêm túc. Bằng ý thức đó, chúng ta sẽ chiến thắng, không để xảy ra những thiệt hại do mối gây ra.