Dịch sởi chưa hạ nhiệt, bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến tại Sài Gòn

Sau Tết là thời điểm chu kỳ cuối của mùa dịch nhưng số bệnh nhân sốt xuất huyết và sởi hiện tại không những chưa giảm mà còn tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018.

BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết thông thường thì sau Tết nguyên đán là thời điểm chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại số ca mắc nhập viện ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong đang thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: BH

Chỉ tính riêng tại Khoa Nhiễm D, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận trung bình 50- 60 bệnh nhân. So với cùng kỳ năm 2018, số bệnh nhân khoa này tiếp nhận chỉ ở mức 10-20 bệnh nhân. Thời điểm cuối mùa dịch, nhưng số bệnh nhân lại tăng gấp 3 lần khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải.

Trưa 15/2, tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải kê giường nằm ngoài hành lang. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng chủ quan không nhập viện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng.

Nhập viện cách đây vài ngày, anh Đ.L.H., 18 tuổi, cho biết thấy trong người nóng sốt khó chịu, nghĩ là do sốt thông thường nên đã ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày không thấy thuyên giảm nên đến bệnh viện khám thì phát hiện bị sốt xuất huyết.

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thường là các vết đỏ ửng trên bề mặt da. Ảnh: BH

Nằm cạnh bên giường anh H., một bệnh nhân nam sốt cao, nằm li bì, trên da xuất hiện nhiều vết chấm đỏ, bầm. Bác sĩ cho biết người này nhập viện trễ nên tình trạng nặng hơn, vùng niêm mạc trên mắt ửng đỏ.

Số liệu từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, trong tháng 1/2018 bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị cho 600 ca bệnh sốt xuất huyết thì trong tháng đầu năm nay, số bệnh nhân nhập viện là hơn 1.600 ca. Cũng theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, tại Bệnh viện Nhiệt đới, một trường hợp bệnh nhân tử vong so sốt xuất huyết.

Bác sĩ Phong cho biết thêm trong những năm gần đây, số bệnh nhân người lớn mắc sốt xuất huyết gia tăng hơn rất nhiều lần so với trẻ em. Trong khi đó, nhiều người lại khá chủ quan nên không đến khám và nhập viện điều trị.

“Nhiều người bị sốt lại nhầm tưởng là sốt thông thường nên tự ý mua thuốc bên ngoài để uống, một vài ngày không khỏi mới đến bệnh viện điều trị”, bác sĩ Phong nói.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, số bệnh nhi sởi từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh nhi đến nhập viện điều trị sởi.

Số trẻ nhập viện vì bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ảnh: BH

“Vì số bệnh nhi nhập viện chưa có dấu hiệu giảm nên khoa đã chủ động kê thêm giường ngoài hành lang cho các bệnh nhi. Hiện tại, một trường hợp bệnh nhi sởi nặng, phải thở máy vì có biến chứng viêm phổi”, bác sĩ Trang nói.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu tháng 1 đến ngày 10/2, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018-2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới, đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.